Hiểu tường tận bài thi IELTS Listening

    Listening – Kỹ năng dễ lấy điểm nhất?

    70% các bạn học viên khi bắt đầu học IELTS sẽ kêu: "Anh ơi/thầy ơi, em không nghe được, em không hiểu gì hết!" Nhưng thực tế mà nói, Listening (Nghe) là kỹ năng dễ nhất so với Speaking, Reading và Writing. Ở bài chia sẻ này, mình chỉ đề cập đến IELTS Academic (học thuật) và giúp bạn "gỡ rối" với kỹ năng này bằng cách hình dung đề thi như một ngày bình thường của du học sinh – vừa vui, vừa dễ nhớ!

    Vì sao nói Listening là phần "dễ ăn điểm"?

    Bạn thử chú ý bài thi của Listening mà xem, 

    • Hầu hết từ vựng là từ vựng phổ biến, thông dụng mà bạn có thể bắt gặp trong phim ảnh, báo chí hằng ngày. 

    • Trong khi đó, từ vựng Reading sẽ khó nhằn hơn rất nhiều, khi các bài Reading là những bài báo cáo khoa học, nghiên cứu.

    Ví dụ, thay vì dùng conference (hội thảo) như bình thường, bài Reading sẽ chơi ngay từ symposium (hội thảo chuyên ngành) 😅

    Vì Listening, theo kinh nghiệm bản thân mình là bài thi “dễ” ăn điểm nhất, nên cái gì dễ mình làm trước.

    Mình sẽ phân tích đề bài Listening theo cách hiểu của mình để các bạn dễ dàng vượt qua con trăng này nha. Mình sẽ đánh giá Listening dựa trên 3 tiêu chí: bối cảnh, số lượng người, và trọng tâm cần nghe.

    Cách hiểu đề Listening IELTS: "Sống – Chơi – Học – Tỉnh"

    Listening có 4 phần rất rõ theo mục đích sử dụng khác nhau, và nó chính là mô phỏng 1 ngày của một du học sinh, đúng như mục đích của IELTS Academic, chuẩn hoá ngôn ngữ để bạn đi du học thành công.

    Vậy hãy hình dung một ngày điển hình của du học sinh sẽ có những phần gì:

    1. Phần 1: du học sinh cũng là người, nên cần nhu cầu thiết yếu là ăn uống, quần áo, đi siêu thị. Phần này mình gọi là SỐNG.

    2. Phần 2: du học sinh thì sẽ dành nhiều thời gian ở đâu? Tất nhiên IELTS mô phỏng mấy đứa chăm học, thôi thì mình chịu khó theo tụi nó. Nên là du học sinh (chăm học) sẽ dành thời gian đi thư viện, đăng ký đi thăm thú xung quanh trường, khu vực ký túc xá. Phần này mình tạm gọi là CHƠI.

    3. Phần 3: du học sinh thì việc chính là HỌC, nên phần này du học sinh sẽ lên giảng đường trao đổi bài tập nhóm, trình bày quan điểm, thảo luận với giảng viên hoặc cố vấn.

    4. Phần 4: du học sinh thì cần nghe giảng, ở Việt Nam mình hay giỡn là có các giáo sư “ru ngủ”, bạn tưởng đi du học không có hả? Phần này cũng hơi na ná á, phần này mình gọi là TỈNH.


    Bây giờ, mình sẽ phân tích kỹ hơn chút nha.

    1/ Phần SỐNG

    Mình thấy cái này giống ở Việt Nam thôi. Bạn phải đảm bảo các nhu cầu ăn mặc cơ bản dù bạn ở đâu. Phần 1 này, ví dụ đề thi Listening sẽ hỏi bạn để bạn cung cấp thông tin cá nhân để mở thẻ ngân hàng, bạn phải hiểu bạn cung cấp thông tin gì cho họ, bạn phải biết đánh vần tên bạn, số passport, biết được bạn học trường gì ngành gì. Hoặc là bạn sẽ phải đăng ký thông tin để nhận sách vở, bài tập nhóm từ giảng viên, bạn phải hiểu bạn cần đem theo thẻ sinh viên, ghi chú, những câu hỏi cần thiết. Như vậy phần 1 này, thay vì bạn phải căng tai ra để nghe người ta nói cái gì, thì mình xem như đây là mô phỏng, bạn không đánh vần được tên, cung cấp được số passport, số điện thoại thì làm sao bạn tồn tại (survive) được ở bển? Xỉu ngang liền á. 

    2/ Phần CHƠI

    Phần này là cái phần ai thi ra cũng kêu, em làm được hết, dễ òm mà sao điểm không cao?

    Đơn giản thôi, do từ vựng phần này là phổ biến nhất, nên ai cũng thấy dễ thở, nhưng vì nó dễ thở về mặt ngữ cảnh, tình huống, nên nó khó ở chỗ số ít, số nhiều, quá khứ, hiện tại hay tương lai, và vô số thông tin khác.

    Phần CHƠI này, bạn hãy hình dung bạn qua nước ngoài thì sẽ thích khám phá thăm thú nơi mình sẽ ở và học trong mấy năm tới.

    Vậy mình có thể đi chơi một mình hoặc đi chơi theo nhóm. Mà đi chơi thì cần đặt vé, mua vé, hỏi lịch trình, nghe hướng dẫn hoặc đơn giản biết đọc bản đồ (chứ không biết rồi đi lạc thì sao?).

    Phần CHƠI này, đề thi thường mô phỏng những cuộc hội thoại ở quầy bán vé, quầy thông tin, hoặc một chuyến tham quan có hướng dẫn. Mục đích cuối cùng là mua được vé, hỏi được đường và đi tham quan có thêm thông tin.

    Vậy thì thay vì căng não mà nghe, hãy đọc hiểu thật kỹ bối cảnh chuyến tham quan, đi coi lâu đài thì họ sẽ nói về lịch sử, ai từng ở đó, kiểu kiến trúc gì, đi coi trang trại thì họ sẽ nói nuôi con gì, nuôi con đó để làm gì và ra sao.

    Vì bạn không hiểu bối cảnh nên khi nghe sẽ chới với vì ủa sao chưa hiểu mà đã hết bài nghe rồi ta.

    3/ Phần HỌC

    Ở phần này bối cảnh sẽ là lớp học, giảng đường, hành lang, nơi mà bạn gặp bạn bè trao đổi về môn học, về bài tập nhóm (nói chung y chang quê mình, chỉ là nó nói tiếng Anh).

    Ở phần này, đề thi sẽ có nhiều giọng nói khác nhau, cả nam cả nữ, từ 2 đến 4 người tham gia thảo luận. Bạn hãy hình dung bạn đang là 1 trong 4 đứa đang thảo luận, chọn một nhân vật để theo nó, giống như bạn đang tái hiện lại buổi thảo luận bạn từng tham gia.

    Khi đã “hoà mình” vào bối cảnh, bạn sẽ thấy cuộc thảo luận sẽ có đồng ý hoặc không đồng ý, sẽ có phản biện, sẽ có chê bai. Chú ý vào những từ ngữ xác nhận để chốt là đứa nào đồng ý hay không đồng ý với điều gì.

    Hãy hình dung, bạn qua đó học, ai cũng thảo luận mà bạn không hiểu giờ theo đứa nào là thôi rồi luôn 🙂


    4/ Phần TỈNH

    Đây là phần được cho là khó nhất trong đề thi do giáo sư nói một mạch không nghỉ, có khi không thở luôn.

    Cái này căng thật, không phủ nhận. Nhưng căng chứ không phải không thể có điểm cao.

    Đây là một bài giảng nên chỉ có 1 giọng nói, các phần được bố cục rất logic để đảm bảo người học có thể được tiếp thu, ít khi đánh đố, nhưng lại có nhiều thông tin thêm để gây nhiễu.

    Ví dụ, khi đang nói về năng lượng sạch (renewable energy), giáo sư có thể thêm phần so sánh với năng lượng hoá thạch (fossil energy) nhưng phần năng lượng hoá thạch không có trong câu hỏi ra đề.

    Đừng để bản thân cuốn theo chiều gió vậy, TỈNH TÁO lên, nên mình mới gọi đây là phần tỉnh. 



    Bảng tóm tắt đề thi Listening IELTS Academic

    Phần

    Bối cảnh/Mục đích sử dụng

    Số lượng người

    Trọng tâm

    SỐNG

    Sinh hoạt hằng ngày như mở thẻ ngân hàng, đăng ký thẻ sinh viên, đăng ký phòng trọ

    Thường là 2, có thể 3

    Đạt được mục đích: mở được thẻ, đăng ký thành công

    CHƠI

    Tham quan, thăm thú bảo tàng, công viên, lâu đài

    Thường là 2, có thể 3

    Đi đúng hướng, hiểu được tham quan cái gì, tập trung vào người hướng dẫn

    HỌC

    Thảo luận nhóm, trao đổi với giảng viên

    2 đến 4

    Xác nhận được ý kiến đúng hoặc sai, biết được cần làm gì tiếp theo sau khi thảo luận

    TỈNH

    Bài giảng trên giảng đường

    1

    Hiểu được nội dung bài giảng, logic bài giảng, TỈNH TÁO lên

    Một tip nho nhỏ

    Đây là mô phỏng bối cảnh ở các nước nói tiếng Anh. Nên những nước được liệt kê theo chuẩn IELTS sẽ bao gồm giọng Anh, giọng Mỹ, giọng Úc, và giọng New Zealand. Bạn nên đa dạng tài liệu nghe để có thể có sự chuẩn bị và làm quen với các giọng này một cách tốt nhất.

    ✅ Xem phim Anh, Mỹ, Úc để làm quen.

    ✅ Nghe podcast đa dạng nguồn.

    ✅ Luyện với đề thật càng nhiều càng tốt.

    Cái gì lạ rồi cũng sẽ quen

    Listening không phải "con quái vật" mà bạn tưởng. Chỉ cần hiểu bối cảnh, nhập vai và luyện tập, bạn sẽ thấy bài nghe dễ thở hơn nhiều.

    Chúc các bạn may mắn và luôn tỉnh táo khi làm bài Listening nha! 😎

    Đọc thêm bài viết Ép mình học những thứ lạ lẫm

    Thầy Vũ (Overall 8.0)

    Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh và IELTS 8.0, thầy Vũ sở hữu nền tảng vững chắc trong lĩnh vực ngôn ngữ. Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý Chiến lược Truyền thông, thầy đã sống và làm việc tại hơn 20 quốc gia như Mỹ, Úc, Singapore, áp dụng tiếng Anh linh hoạt trong giao tiếp doanh nghiệp, quản lý khách hàng và MC song ngữ.

    Previous
    Previous

    Writing Task 1 – Viết sao cho nhanh mà vẫn đạt điểm cao?

    Next
    Next

    Ép mình học những thứ lạ lẫm